Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

SỰ NGHIỆP VOVINAM CỦA HAI VÕ SƯ NGOẠI QUỐC

SỰ NGHIỆP VOVINAM CỦA HAI VÕ SƯ NGOẠI QUỐC


SINH VIÊN ĐỌC BÀI & LÀM MỘT SỐ BÀI TẬP SAU:
  1. Giới thiệu trình độ văn hóa của VS Patrick, VS Danka.
  2. Những việc của họ đã làm để sống tự lập.
  3. Những việc họ đã làm để nâng kỹ năng võ thuật.
  4. Họ đã dạy Vovinam ở những nước nào ?
  5. Những việc khác họ đã làm cho sự nghiệp Vovinam - Việt Võ Đạo.
  6. Viết bài giới thiệu về mỗi người trong 50 chữ (về võ nghiệp, tình yêu, hôn nhân).
  7. Đưa ra 1 câu hỏi sau khi đọc bài này.
































Chỉ trong 4 năm theo học võ, ông đã dự 2 giải vô địch châu Âu, 3 giải vô địch quốc gia (Pháp). Năm 1981, chính thức làm phụ tá huấn luyện viên cho võ sư Nguyen Bernard, ở thành phố Lavalette. Võ sư Nguyen Bernard có cha người Việt, mẹ gốc Đức, là một trong tám người thân cận nhất của thầy Phạm Xuân Tòng (Chưởng môn Quán Khí Đạo).

Năm 1978, Patrick lần đầu đến quần đảo Canary nằm ở bờ đông Đại Tây Dương . Canary là quần đảo của châu Phi về mặt địa lý, nhưng thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha, cách thủ đô Madrid 3.500 km đường chim bay. Đời sống trên đảo là sự pha trộn của nhiều bản sắc khác nhau. Patrick sống bằng nghề thông dịch viên kinh tế, chuyên dịch 3 thứ tiếng Tây Ban Nha, Anh và Pháp. Chiều chiều, Patrick thường thả bộ dọc bãi biển thả hồn theo tiếng sóng, nghĩ suy về lời trách mắng của mẹ: "Có bao giờ con làm theo lời mẹ chưa?". Chọn con đường đi riêng của mình, anh thấy cuộc sống tự do hơn và hợp với "máu" phiêu lưu nhiễm vào anh từ thuở bé. Điều may mắn là ở nơi tưởng như tận cùng này, bất ngờ Patrick gặp Olivier Godefroid, một võ sư hoàng đai tam đẳng Vovinam. Là học trò của võ sư Võ Tân Tiến ở Bỉ, Olivier đã ra sống tại đảo và dạy Vovinam từ năm 1985. Cả hai quyết định lập một nhóm cùng tập và biểu diễn võ thuật chuyên nghiệp. Có một huấn luyện viên Taekwondo tên Carlos cũng xin gia nhập.

Vậy là từ đây "như cá gặp nước", Patrick tìm lại được môi trường hoạt động của mình. Các buổi biểu diễn đã gây tiếng vang và lôi kéo nhiều người đến xin học võ. "Thật ra cũng do Patrick vốn là dân học kinh tế trước khi chuyển qua chuyên ngành ngôn ngữ, nên biết cách tổ chức, phối hợp với các phương thức quảng cáo khéo léo, làm cho nhiều người thích võ hơn các môn thể thao khác". Lời bộc bạch chân tình của anh còn cho thấy một khía cạnh may mắn khác, là vùng đảo vẫn còn là miền đất trống (dù Olivier đã dạy trước đó) không có tổ chức võ thuật nào. Hạt giống gieo vào đất màu nhanh chóng mọc mầm và sớm đâm chồi nẩy lộc. Patrick mạo hiểm bỏ nghề, chuyển sang dạy võ chuyên nghiệp. Thời gian này Patrick hoàn toàn bù đầu vào võ, dạy quần quật một tuần 54 tiếng. Anh dạy cùng lúc 4 môn: Vovinam, Kick boxing, Qwan ki do, Võ tự do cho lực lượng cảnh sát.

Bắt đầu từ con số khiêm tốn với vỏn vẹn 6 học trò, đến năm 1992 riêng Patrick đã có 1.400 môn sinh, dàn trải ở 4 câu lạc bộ trường học và 3 câu lạc bộ thể thao. Với đội ngũ 14 huấn luyện viên phụ tá đã qua đào tạo và dày dạn kinh nghiệm, Patrick có thể yên tâm để cho học trò tự do phát triển. Thành công đã không níu giữ được chân anh, và một bầu trời xa hơn đang vẫy gọi. Dấu ấn Bắc Phi Khát vọng đi vòng quanh thế giới nung nấu con tim anh.
Để chuẩn bị cho bước đi xa này anh thường xuyên liên lạc với các đồng môn ở các nước và báo cho họ những dự định của mình. Anh nhận được sự đồng cảm chia sẻ và cả sự phản đối. Không gì ngăn cản được bước chân anh, mục tiêu lần này anh nhắm tới là Marôc, một quốc gia thuộc vùng Bắc Phi. Chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống Casablanca trong cái nóng oi nồng. Cũng cần phải biết về chuyến hành trình mà Patrick đi qua. Thông thường từ Tenerife - thủ phủ của Canary phải bay loại máy bay lớn về Tây Ban Nha, từ đây quay ngược lại Marôc, rất đắt tiền và nhiều tốn kém. Là một võ sư đang đi xiển dương võ đạo, Patrick không cho phép mình xài sang. Anh chọn con đường tắt là đi loại máy bay nhỏ không có áo phao, không có bảo hiểm, rất sợ mất mạng khi phải rơi xuống biển, bay thẳng tới thủ đô Marôc. Nơi đây có một bạn đồng môn rất chí cốt với Patrick tên là Hassan Abillat. Hassan là người Arập, học trò cũ thầy Phạm Xuân Tòng. Cả hai quen nhau tại Pháp từ năm 1981 qua những lớp đặc huấn tổ chức ở thành phố Toulon. Gặp nhau chưa kịp vui mừng, Hassan đã bày tỏ: "Nếu quay lại Vovinam thì dứt khoát phải theo Việt Nam thôi, như thế mới đúng gốc và không sợ tranh chấp sau này".

Do lâu ngày bỏ tập, Hassan gần như quên hết bài bản, buộc phải ôn và tập lại từ đầu dưới sự hướng dẫn của Patrick. Cũng áp dụng những chiêu thức cũ, Patrick và Hassan cùng kết hợp biểu diễn võ thuật tại các câu lạc bộ thể thao, ở các thành phố nhỏ như Kenitra, Rabat, Tanger, Fez. Hassan Abillat làm trong ngành cảnh sát. Anh có người bạn tên Mohammed Machkour là cận vệ nhà vua Hassan II. Mang 4 đẳng Judo, có hai cánh tay rất to và cứng như gọng thép, Mohammet từng hạ đo ván không biết bao nhiêu địch thủ. Thế nhưng chỉ qua một vài đòn kỹ thuật giao hữu, Mohammet đã chân thành nói: "Đây mới đúng là môn võ tôi đi tìm suốt đời". Với "sếp" Said Skakri, một nhân vật quan trọng trong ngành cảnh sát, thì khó thuyết phục hơn. Vóc người to lớn nặng 110 kg và cao 1,95m, ông cũng là tay võ nghệ giỏi và có nhiều kinh nghiệm thi đấu. Ông đòi mặc võ phục vào thi đấu "thử", và Patrick buộc phải chứng minh cho ông thấy kỹ thuật Vovinam có hiệu quả như thế nào.
Bị hoàn toàn thuyết phục, "sếp" tuyên bố: "Bây giờ tôi sẽ tập Vovinam". Đến năm 2002, ông Said Skakri làm Chủ tịch Hiệp hội Vovinam Marôc. Câu lạc bộ Vovinam đầu tiên mở tại thành phố Kenitra cũng là quê nhà của Hassan. Ngày khai trương cũng chỉ có lèo tèo 8 môn sinh. Nhờ tiếng lành đồn xa, các "telephone arabe" - máy điện thoại truyền miệng Arập, đã nhanh chóng thông tin, mấy ngày sau đã có nhiều người kéo đến ghi danh theo học. Thừa thắng xông lên, Patrick xúc tiến thành lập các câu lạc bộ ở Fez và một số thành phố khác. Một cuốn phim giới thiệu về lịch sử và kỹ thuật đặc thù của Vovinam cũng được quay rất công phu với lời giới thiệu bằng tiếng Anh đã được nhân bản và phát hành rộng rãi, có tác dụng "quảng cáo" rất lớn.

Tuy Vovinam phát triển không mạnh ở Marôc như ý đồ mong muốn, nhưng lại có chiều sâu và nền móng ban đầu để xây dựng một phong trào vững chắc hơn. Patrick không hài lòng với những gì làm được. Dù thành hay bại, cái "nghiệp" dạy võ cũng chất chứa trong nó những kỷ niệm vui buồn, và anh kể một kỷ niệm vui. "Lần đầu tiên đến Marôc, Patrick là hành khách "hạng" Tây ba lô. Đến năm 2002, khi Vovinam được công nhận chính thức, được nhiều báo chí đưa tin, khi qua cửa khẩu sân bay không cần trình hộ chiếu, còn được mời đi cửa VIP, có 20 môn sinh là cảnh sát đem xe Mercedes ra tận sân bay đưa rước...". Nói đến đây Patrick nở một nụ cười thật tươi!


Patrick (phải) với VS. Chưởng môn Lê Sáng.

Học Vovinam mà không biết đất nước và con người Việt Nam kể như chỉ mới hiểu một nửa. Suy nghĩ này đeo đẳng trong tâm trí Patrick nhiều năm liền. Đến Việt Nam và tìm cách thâm nhập vào làng võ, học theo đúng gốc để nắm hết sự uyên bác của tinh thần văn hóa phương Đông là "giấc mơ" lớn trong đời Patrick.

Cơ may đã tới khi lần đầu có một phái đoàn võ thuật nhiều nước châu Âu đến Việt Nam giao lưu và biểu diễn. Patrick được mời tham gia và được xếp vào thành viên của Tây Ban Nha, vì anh sống và làm việc ở nước này. Đặt chân lên mảnh đất Việt Nam, Patrick vừa vui mừng vừa bỡ ngỡ. Ở đất nước đang nắng chang chang chợt bất ngờ mưa ào ào xối xả, có một cái gì thân thương và đáng yêu. Anh thấy con người Việt Nam hiền hòa, đời sống hết sức bình yên. "Điều đó khác với những gì tôi nghĩ. Tìm hiểu đất nước Việt Nam qua sử sách, tôi thấy đất nước các bạn đi qua bao nhiêu cuộc chiến tranh. Chắc tính cách người Việt cũng dữ dằn lắm" - nói rồi Patrick đưa tay nhẩm đếm những vị anh hùng: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Cao hứng, Patrick đọc luôn mấy trích đoạn “Hịch tướng sĩ", và "Bình Ngô đại cáo" bằng tiếng Việt.
Từ chuyến đi này, Patrick được tiếp xúc với võ sư Nguyễn Văn Chiếu, người có thẩm quyền của môn Vovinam. Cuộc gặp gỡ này đã củng cố thêm định hướng của anh. Patrick quyết định qua Việt Nam thường xuyên để tiếp tục học nâng cao và đào sâu hơn vào sự tinh túy của Vovinam. Và anh đi lại như con thoi tới Việt Nam, khi thì ở lại một vài tháng, có khi ở lại hơn nửa năm trời. Cách học của Patrick cũng rất lạ, đó là ý chí muốn vươn lên đỉnh cao nên trong các buổi tập bao giờ anh cũng cố gắng làm mạnh hơn, cao hơn, nhanh hơn, và phải hỏi kỹ để hiểu rõ kỹ thuật và ý nghĩa sâu xa đến tận cùng. Nhờ vậy anh tiến bộ rất nhanh. Hầu như Patrick không bỏ buổi tập nào, có những động tác tưởng như tầm thường, nhờ tập đi tập lại cả ngàn lần, chợt "ngộ" ra sự vi diệu của nó. Lúc ấy người đẫm mồ hôi nhưng trong lòng anh tràn ngập niềm vui sướng lạ lùng.
Có người hỏi: Đi khắp nơi như vậy Patrick sống bằng gì? Anh không ngại ngùng cho biết, hằng tháng các câu lạc bộ võ thuật tại Tây Ban Nha do học trò anh quản lý vẫn đóng một khoản tiền tượng trưng nào đó cho thầy. Ngoài ra nếu đến nơi nào thời gian ở lại hơi lâu, anh thường liên hệ với các trung tâm dạy ngoại ngữ để xin dạy tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Thù lao tuy không nhiều nhưng cũng đủ chi phí cho chi tiêu, sinh hoạt. Cách dạy ngoại ngữ của anh cũng khác người, đó là việc áp dụng phương pháp huấn luyện võ thuật vào dạy ngôn ngữ theo trình tự từng bước, có căn bản rồi mới đi từ thấp lên cao. Patrick đang viết một cuốn sách dạy và học tiếng Pháp, nhấn mạnh ở cách phát âm, tiếp cận theo hướng sư phạm mới nhất, chuẩn bị cho xuất bản, kèm theo bộ đĩa VCD.
Đến Việt Nam, học được cái cốt lõi của Vovinam, Patrick lại nghĩ đến chuyện lớn hơn. Phong trào Vovinam trên thế giới lan rộng đến hơn 20 nước ở khắp các lục địa, từ châu Âu, châu Phi, châu Úc, châu Mỹ; đã thật sự trở thành môn võ quốc tế có tầm cỡ. Việc xây dựng một tổ chức Vovinam quốc tế có liên hệ chặt chẽ với chính phái ở Việt Nam nhằm bổ sung và thống nhất kỹ thuật sẽ thúc đẩy phong trào Vovinam mạnh hơn, có hiệu quả hơn, nhằm tạo tiếng nói có sức nặng hơn tại các giải đấu khu vực và thế giới. Ý tưởng này được nhiều đồng môn ủng hộ, các học tròâ nhiệt tình giúp đỡ.
Với tư tưởng "thuận thiên, hòa nhân", cuối cùng cuộc vận động dẫn đến kết quả: năm 1996, Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo liên lục địa (Intercontinental Vovinam Việt Võ Đạo Association) ra đời. Ông Juan Cid, một người có uy tín lớn được mời làm chủ tịch, ông Sergio Mora làm tổng thư ký. Patrick được bầu làm Giám đốc kỹ thuật quốc tế của hiệp hội (đến năm 2002, chức vụ này do võ sư Nguyễn Văn Chiếu đảm nhận). Tổ chức này đã được công nhận ở châu Âu và được cấp mã số để hoạt động. Điều lý thú là khi mới thành lập hiệp hội, chỉ có hai nước thành viên là Tây Ban Nha và Việt Nam, hiện nay đãä có 20 nước tham gia như Angieri, Bỉ, Belarus, Pháp, Đức, Anh, Ý, Ba Lan, Maroc, Brazin, Senegal...
Tiến về Bắc Mỹ
Trước khi đi Mỹ, Patrick nghe phong thanh Vovinam ở xứ sở cờ hoa này mạnh lắm. Năm 2000, khi tới Chicago, gặp một số võ sư Vovinam người Việt mới biết nơi đây không có phong trào. Ở đây hai tuần, Patrick quay lại Cali, trọ tại nhà võ sư Lê Văn Huy, học trò của thầy Chiếu. Vovinam phát triển tại Mỹ chủ yếu là trong cộng đồng người Việt. Lớp của võ sư Huy có 90 người theo học, chỉ có 2 môn đồ "ngoại": một chàng da đen, một da trắng. Mấy đêm nằm trăn trở, Patrick cứ suy nghĩ mãi tại sao Vovinam không thể dạy được cho người Mỹ chính gốc, Trong khi các môn karate, taekwondo rất đông người bản xứ theo tập?
Là người qua định cư ở Mỹ lâu năm, có một số kỹ thuật Vovinam anh Lê Văn Huy không còn nắm rõ. Anh Huy nhờ Patrick hướng dẫn lại để hoàn chỉnh kỹ thuật hơn. Muốn ở lại Mỹ một thời gian dài, Patrick bắt buộc phải đi làm kiếm tiền. Việc làm đòi hỏi phải có thẻ xanh, mà Patrick chỉ có visa du lịch. Không còn cách nào khác, anh Huy mời Patrick làm việc cho công ty "nhà". Công việc cũng đơn giản, chỉ lo sửa chữa nhà và chăm sóc vườn. Patrick được giao việc trồng cỏ, cắt cỏ, lắp ống nước, xây tường xi măng, tất tần tật. Lao động vất vả khiến bàn tay anh rớm máu, tối về nằm xuống là lăn ra ngủ. Hơn tuần lễ trôi qua, khi đã quen dần, anh bắt tay vào dạy võ. Việc học võ chỉ tập trung vào các ngày cuối tuần, và Patrick chỉ dạy 4 buổi mỗi tuần.
Từ Cali, Patrick đi xe bus lên hướng bắc để sang Canada. Anh được vợ chồng anh Phạm Khúc Danh giúp đỡ rất nhiều. Xu hướng phát triển Vovinam ở Canada cũng giống như bên Mỹ, chỉ tập trung trong nhóm người Việt. Patrick dạy và tập huấn kỹ thuật cho một câu lạc bộ có khoảng 70 người theo học. Tiếp tục làm Tây "balô", anh xin vào làm tại nhà hàng Phở 99 với nhiệm vụ bưng bê, rửa ly, rửa bát... Thời gian sau, Patrick chuyển đi xa hơn, đầu quân cho một công ty Hàn Quốc chuyên làm bảng hiệu quảng cáo. Để tiết kiệm, Patrick sống thật đơn giản. Nơi anh ở chỉ có một phòng nhỏ, không có giường và bếp. Thấy anh sinh hoạt dưới mức tối thiểu, nhiều người rất ngạc nhiên. Họ hỏi anh tại sao lại phải chịu đựng như vậy? Như một thiền giả, Patrick chỉ cười, nụ cười an nhiên tự tại của người tin mình sống đúng và làm đúng. Cũng có người rất hiểu anh, và biết rõ anh đang muốn gì. Đó là anh Bính, lúc ở Việt Nam là giáo sư toán, qua Canada tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Nhiều lúc Patrick phụ việc cho anh, được trả tiền công đàng hoàng. Được anh giúp đỡ và chỉ dạy cặn kẽ về văn hóa Việt Nam, Patrick luôn coi anh là bậc ân nhân của mình.
Mùa hè năm 2000, ở Cali có một "đại hội" các võ sư Vovinam với khoảng 80 võ sư trên thế giới về dự và toàn là người Việt Nam (1) . Patrick là người châu Âu duy nhất đến đây. Anh hết sức thất vọng khi mọi người chỉ ôn lại chuyện cũ một cách chung chung và không có một kế hoạch cụ thể nào để phát triển Vovinam. Qua 3 ngày thảo luận, anh đã tìm được lời giải đáp lý do vì sao Vovinam ở đây không mạnh bằng các môn võ khác!



Patrick và phu nhân cùng VS. Nguyễn Văn Chiếu (giữa)

Tại giải vô địch châu Âu môn Qwan Ki Do tổ chức ở Bucarest năm 1996, Patrick thi đấu thật xuất sắc. Anh đoạt huy chương vàng cả hai nội dung đối kháng vũ khí và công phá. Thi đi quyền, anh lọt vào chung kết, rồi cuối cùng thất bại. Vẫn nhớ câu châm ngôn Việt Nam "Thắng không kiêu, bại không nản", nhưng anh cảm thấy buồn bực trong lòng. Đã từng 3 lần vô địch châu Âu về quyền thuật, lần thất bại này làm anh không tự chủ được.
Đang miên man với những suy nghĩ không vui, bất chợt có ánh mắt ai như luồng điện "chạm" vào người anh. Ánh mắt  Danka ngày ấy đã theo anh đến tận ngày hôm nay. Gần hai mươi năm hành hiệp, Patrick sớm chia tay với người vợ cũ. Thấy cuộc sống phiêu bạt của anh, bạn bè đều khuyên Patrick phải lấy vợ, xây dựng một mái ấm gia đình. Nhưng chỉ đến khi gặp Danka, anh mới cảm thấy "điểm tựa" đời mình. Danka đem đến cho Patrick một tình yêu vô biên, đầy màu sắc võ hiệp. Lớn lên trong bối cảnh một đất nước Romania đầy xáo trộn, Danka luôn mơ tưởng đến hình ảnh một "siêu nhân". Nhìn Patrick thi triển võ công trên đấu trường, Danka nghe con tim mình rung cảm mãnh liệt.

Với Danka, đến với Patrick, cô biết cuộc đời mình rồi sẽ rong ruổi theo bước chân anh... Danka là người Romania đầu tiên học võ Vovinam. Cùng Patrick, cô sang Việt Nam năm 1998 thi lam đai nhị. Thầy Nguyễn Văn Chiếu là người trực tiếp chấm thi, và cô được học đặc cách tại Trung tâm Thể dục thể thao Q.8, TP.HCM. Chia sẻ với kế hoạch của Patrick, cô vắt óc tìm phương án du nhập môn Vovinam vào Romania. Với trình độ của mình, Danka thừa sức đứng lớp và đủ khả năng dẫn dắt phong trào. Kẹt nỗi cô đang theo học Đại học Y, chuyên ngành thiết bị y khoa, không thể tùy tiện bỏ ngang. Đợi khi nào tốt nghiệp xong đại học, Danka cũng sẽ dấn thân vào nghiệp võ. Sực nhớ đến người bạn tên Florin rất nhiệt tình và đam mê võ, cô tìm địa chỉ đưa cho Patrick. Từ đầu mối này, Patrick phác họa cách thức cắm trụ Vovinam vào đất nước còn mới mẻ này. Thật ra Patrick đã quen biết Florin trước đây, nhưng do không liên hệ với nhau, họ đã bặt tin từ lâu. Anh chàng Florin vốn là kỹ sư xây dựng, đang thất nghiệp nằm chờ thời và tạm làm một chân bảo vệ trong sân bay. Patrick đem môn Vovinam giới thiệu với Florin, được anh hồ hởi đón nhận và xin nhập môn. Qua 6 tháng huấn luyện cấp tốc, và 3 chuyến đi lại Việt Nam, Florin đã có những bước tiến dài, có thể làm tốt vai trò phát động phong trào Vovinam trên toàn Romania. Tuy còn bận bịu với chuyện thi cử, Danka đã đóng vai trò tham mưu rất nhiều cho phong trào chung.

Cả nhóm đã làm một phim tài liệu 20 phút về Vovinam, được phát nhiều lần trên kênh truyền hình quốc gia. Kết hợp cùng với Abdel Benzaim là học trò võ sư Sudo, họ làm các phim quảng cáo ngắn khoảng 5 giây, với nhiều tiết mục đặc sắc như phản đòn mã tấu, chống dao găm... phát xen kẽ trong chương trình thể thao, cùng với các môn bóng đá, bơi lội..., tạo nên sự quan tâm rộng rãi trong dư luận. Danka là cô gái thông minh và chịu khó, cô vừa tốt nghiệp đại học với số điểm rất cao. Theo chân Patrick, cô lại đến Việt Nam tiếp tục theo tập Vovinam với quyết tâm trở thành nữ cao thủ trong làng võ thế giới. Cô đang ráo riết luyện tập để chuẩn bị lên đường tham gia đội tuyển Romania dự giải vô địch Vovinam toàn châu Âu tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha .






Những kỷ niệm khó phai Nét chấm phá về cuộc đời hoạt động võ thuật của Patrick chỉ nói lên một phần nhỏ về những gì anh đã làm được và con đường anh đã đi qua. Anh đã đi từ say mê nét đặc sắc của môn võ Việt Nam, đến cung đoạn thấm sâu dần cái triết lý sống của người Việt, am hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam. Võ có sức thu hút ghê gớm và sự lan tỏa văn hóa là không biên giới. Thế nhưng chính chúng ta đã biết quý trọng nó chưa?







Cô Danka và chồng tại Tổ đường Vovinam 



Võ sư Danka


Vợ chồng võ sư (Danka & Patrick) cùng VS. Nguyễn Văn Sáng (Vang)

Patrick từng ở Việt Nam và dạy tiếng Pháp tại Idecaf (Viện Trao đổi văn hóa với Pháp). Anh đang ngày đêm khổ luyện và không ngừng trau dồi thêm tiếng Nhật. Đất nước mà anh đang nhắm tới này có một nền văn hóa thâm hậu, đem Vovinam qua truyền bá tại quê hương của các Samurai này thật không dễ dàng. Nhưng anh nuôi dưỡng niềm tin mình sẽ thành công, vì Vovinam có nét độc đáo riêng mà không môn võ dân tộc nào có được. Đặc biệt phần triết lý và võ đạo là hết sức uyên thâm, càng thấu hiểu càng tâm đắc. Patrick trầm ngâm: "Qua Nhật, đầu tiên tôi phải kiếm một việc làm, có thể là dạy ngôn ngữ. Tiếp theo sẽ kiếm đất dụng võ để phát triển bằng được môn Vovinam...". Sự khó khăn quá lớn đang chờ đợi Patrick phía trước. Ngồi uống cà phê cùng anh, thấy anh vuốt vuốt mái tóc và nói đùa: "Patrick đã bạc đầu vì võ, tóc đã phải nhuộm mấy năm nay rồi"! Chuyện võ là chuyện dài một đời, và Patrick cũng đã "nói tốt" quá nhiều về người Việt Nam. "Bây giờ anh hãy thử kể điều gì làm anh buồn nhất". Patrick nở nụ cười hồn nhiên: Tiếp xúc nhiều người, tôi thấy họ cứ nghĩ dân Tây chắc phải giàu lắm. Họ đâu biết ở đất nước chúng tôi cũng còn nhiều người nghèo, thậm chí có người còn phải ăn xin nữa. Và Patrick đã từng khốn khổ vì một tai nạn. Lúc ấy, Patrick mượn chiếc Dream II đi, gửi nhà người quen và bị mất cắp. Patrick phải trả tiền cho chủ xe từ từ. Ban đầu chủ xe la làng, nhưng sau thấy Patrick trả đến 1.700 đô la, thì tin mình là người lương thiện, nói khỏi phải trả nữa. Bây giờ chị Huệ (chủ xe) trở thành bạn thân, Patrick và Danka đang trọ tại khách sạn của chị. Lúc hết tiền, Patrick bèn đến ở nhà thầy Chiếu, lấy chiếc xe đạp cũ của con thầy làm phương tiện đi lại. "Được thầy nuôi cho ăn cơm, lại chỉ dạy võ tận tình không lấy một đồng học phí. Tấm lòng ấy Patrick luôn khắc ghi". Có lần đi chợ, bị kẻ trộm móc túi, "chôm" cái bóp còn 300 đô la cuối cùng, Patrick liền phóng xe rượt theo. Chạy vòng quanh qua nhiều ngõ ngách ở quận 8, Patrick tóm được tên trộm ngay tại nhà. Nhìn cảnh khổ và nghe lời than vãn, động lòng Patrick "tặng" luôn số tiền trên. "Mình là dân hiệp sĩ mà", anh cười hết sức hài hước.



Câu chuyện miên man bất ngờ gợi nhớ lại bao ký ức tưởng chừng đã lãng quên. Đó là vào năm 1992, chúng tôi có tiếp đón một đoàn võ sư từ châu Âu qua. Cuộc giao lưu võ thuật được tổ chức tại Hồ Gia Trang. Có một gã thanh niên cột đuôi tóc rất dài, nghe giới thiệu là người Tây Ban Nha, hỏi rất chi tiết, và ghi chép cặn kẽ từng động tác, từng lời thiệu (dùng tiếng Pháp, qua phiên dịch). Lúc ấy võ sư trưởng đoàn Đồng Văn Hùng có nói một câu: "Thằng này ghê lắm, không khéo nó lấy hết võ Việt Nam mình". Đến đây, Patrick như đứng bật dậy: "Trời! Người có đuôi tóc dài ấy chính là Patrick...". 






2017











2017


2018


2018










Mừng năm mới 2019, hai võ sư Patick và Danka 
vẫn kiên trì với sự nghiệp Integral Vovinam 

Chúc mối tình của ông bà với Vovinam tiếp tục tỏa hương cho đời.


____________________________
(1) Ngày 18-8-2000, Ðại Hội Vovinam Toàn Thế Giới tại Nam California.

Từ: Nhà báo Cao Thụ + Tìm ảnh: 0989077120 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HỎI ĐÁP LÝ THUYẾT VOVINAM

HỎI ĐÁP LÝ THUYẾT VOVINAM . 2 Mười điều tâm niệm của môn sinh Vovinam? 1. Việt Võ Đạo Sinh (VVÐS) nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để ...