Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

CHỮ ĐẠO

CHỮ ĐẠO




Mọi định nghĩa, công thức, phương pháp, lề luật,…không đổi đều không dùng được cho bậc thầy; chỉ có thể dùng cho người nhập môn. Lão tử xưa đã nhận xét:
Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh
Tạm dịch:
Đạo là đạo thì không là đạo vĩnh viễn
Tên là tên thì không là tên vĩnh viễn
Đạo mà có thể nói rõ ra được “đạo là gì”, thì Đạo không còn là Đạo nữa.
Danh, như một cái tên (người, tổ chức, chủ nghĩa, học thuyết,…) ai cũng biết, nhưng nhờ mọi người ghi rõ ra thế nào là mang tên đó thì mỗi người sẽ có một bảng ghi khác nhau, thậm chí còn có những bảng ghi chỏi nhau (thiên thần/quỷ dữ) bởi (người, tổ chức, chủ nghĩa, học thuyết,…) cùng tên nhưng ý ‎ nghĩa, giá trị đối với mỗi người thì khác nhau.
Nên nếu ta tự ghi một danh sách ta nghĩ là đủ mọi thứ về đối tượng (người, tổ chức, chủ nghĩa, học thuyết,…) và nói “đây là nó”, thì sẽ có người đọc và nói “Đây không phải là (người, tổ chức, chủ nghĩa, học thuyết,…) tôi biết. Tóm lại, đã gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn.
Với tên đối tượng (người, tổ chức, chủ nghĩa, học thuyết,…) tạm dùng được mà không gây tranh cãi và hiểu nó theo nghĩa tương - mỗi người hiểu khác một tí, chẳng ai đúng chẳng ai sai. Đó là: Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh. Điều cần rút ra là không lệ thuộc vào ngôn từ, công thức, luật lệ cứng ngắc để phán đoán về nhau, đánh giá nhau, chia rẽ nhau. Lệ thuộc vào “danh/tên”, nhãn hiệu là “chấp vào danh sắc”, là ôm cứng vào tên và hình dạng bên ngoài.






Võ Đạo Vovinam
Lạp Chúc Nguyễn Huy

 Võ đạo là linh hồn của môn phái võ cũng như văn hóa là linh hồn của một dân tộc. Võ đạo và văn hóa do chính con người tạo ra để làm khuôn mẫu cho việc ứng xử giữa con người (võ sinh) với con người (võ sinh), giữa con người với xã hội. 

Võ đạo Vovinam biểu hiệu nhân sanh quan [1] của môn phái. Chữ " Đạo [2] " mang ý nghĩa " con đường " là hệ thống tư tưởng triết học trình bày ý nghĩa của đời sống con người võ sinh và mục đích đào tạo con người toàn diện. Võ đạo được Sáng Tổ khởi xướng với Lý thuyết cách mạng tâm thân được khai triển tiếp theo bởi VS Trần Huy Phong trong cuốn sách Cách mạng tâm thân [3].

Trong lý thuyết cách mạng tâm thân, Đạo lộ đó đã được ông Nguyễn Lộc vạch ra là: " Đào tạo con người toàn diện khỏe mạnh cả về Tâm và Thân, gầy dựng ý thức vươn lên tự hoàn thiện bản thân về cả Tâm – Trí – Thể để có đầy đủ khả năng, đức độ, dũng cảm, quyết tâm, dám hy sinh cho đại nghĩa và cho lý tưởng của mình, sẵn sàng phục vụ tổ quốc và nhân loại xã hội bằng tay chân và tim óc ".

Tiếp theo Võ Sư Trần Huy Phong khai triển võ đạo cách mạng tâm thân bằng lý thuyết tâm-trí-thể " là con đường đưa đến sự làm chủ chính bản thân mình ".

Cách mạng Tâm-Thân đi từ trình độ "Thuật " về chuyên môn, thực dụng, sau đó tiến đến trình độ " Đạo " tổng quát và toàn diện, trong đó có cả chuyên môn, thực dụng ở cấp cao. Vì vậy mà "Đằng sau Vovinam là triết học".

1. Quan niệm về sống
Dạy võ cũng như học võ là có mục đích sống, mang nặng danh dự của mình và của môn phái, dân tộc mình và tinh thần võ đạo. Vì vậy, khi dụng võ, võ sinh phải biết:
- Nhận định rõ ràng về sự sống;
- Đạo sống và phần vụ thiết yếu về " sống ".
a) Nhận định
Nhận định về sự sống. Võ sinh nhận định chỗ đứng của mình trong tập thể võ đạo và võ thuật , tự coi mình là một phần tử trong dòng miên sinh của làng võ và nhân loại;
Nhận định về đích sống. Học võ đạo và võ thuật là mang nặng trên vai danh dự của môn phái, của dân tộc trên căn bản trách nhiệm làm người của mình trước cuộc sống;
Nhận định tương quan xã hội. Giữa võ sinh và tập thể đều có tương quan trách nhiệm.
b) Đạo sống
Võ sinh phải ý thức 3 phần vụ thiết yếu về " sống ":
1. Sống.
Kiện toàn thân thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng, sống thực, sống toàn diện, nhờ đó mà giúp ích cho xã hội,
2. Để cho người khác sống.
Tôn trọng những khác biệt, giúp đỡ người khác cùng hưởng hương vị đời sống như mình,
3. Sống cho người khác.
Phần vụ này đòi hỏi hy sinh một số quyền lợi của mình cho người khác.
Tóm lại, võ sinh Vovinam phải dang rộng vòng tay để đón nhận mọi người, đón nhận ngay cả những người xa lạ không mang cùng màu áo với chúng ta, bằng một thứ tình Võ Đạo cao cả và bằng cả sự trìu mến.
2. Cách mạng tâm-thân
Với quan niệm con người là trung tâm của mọi hoạt động nên Võ Sư Sáng Tổ lấy lý thuyết cách mạng tâm thân làm nền tảng xây dựng con người trên 3 bình diện : Tinh thần, thể xác và đạo. Cách mạng tâm thân là phát huy tinh thần nhân đạo, làm thay đổi phần tâm và thân để tiến đến hoàn chỉnh hơn. Cách mạng tâm-thân bao gồm hai phần : Thân và Tâm
a) Cách mạng thân
Mục đích là xây dựng cho võ sinh lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quật cường và nghị lực quả cảm. Tất cả những điều đó phải được chứa đựng trong một thân thể khỏe mạnh, đanh thép, sức lực dẻo dai, chịu đựng được mọi gian khổ, có khả năng tự vệ và chiến đấu hầu vươn đến một lối sống tốt đẹp hơn. Vì thế, ông chủ trương nung đúc võ sinh như sau.
Môn phái sẽ luyện tập võ lực cho môn sinh có một thân hình dắn dỏi, vững vàng, một sức lực mạnh mẽ dẻo dai để có thể bền bĩ chịu đựng trước mọi khó khăn, cực nhọc, đẩy lui các bệnh tật, giữ cho thân thể luôn luôn tráng kiện và lành mạnh.
Về Võ thuật, môn phái sẽ huấn luyện cho môn sinh một kỹ thuật tinh vi để tự vệ hữu hiệu và sẳn sàng bênh vực lẽ phải và ý thức được rằng luyện võ có sứ mạng phục vụ người khác trong tinh thần võ sĩ và nhân bản.
Song song với cách mạng thân, môn phái sẽ rèn luyện cho môn sinh một tâm hồn cao thượng, một ý chí bất khuất, một tính tình hào hiệp, biết khép mình trong kỷ luật tự giác, biết sống hợp quần trong tình đồng đạo, biết hy sinh trong nếp sống vị tha và trở nên những công dân gương mẫu, phục vụ cho bản thân, gia đình, tổ quốc và nhân lọai.
b) Cách mạng Tâm 

Hành động làm " Nghiêm lễ ", bàn tay phải đặt lên trái tim, diễn tả đầy đủ trọng tâm của võ đạo Vovinam là " Tâm ". Vậy Tâm được hiểu như thế nào?

Tâm trong tín ngưỡng cổ truyền
Theo tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam là Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng), Tâm (linh hồn, ý nghĩ, tinh thần) ngụ tại tim và đều khuyên tu Tâm dưỡng Tánh. Tại sao? Tâm và Tánh của con người cũng đồng như một, song Tâm tự thánh tự thiện là chủ tể, khi Tâm phát động ra bên ngoài thì gọi là Tánh. Vì luôn luôn biến động trước thất tình lục dục, Tánh có thể tấn bộ tiến gần về Tâm trở thành thánh thiện hoặc thoái hóa thoát xa Tâm mà gây điều tàn ác trái đạo nghĩa. Sở dĩ con người làm ác là vì cái Tánh bị nhiễm trược trần và cái Tâm bị lục dục thất tình che lấp. Tu Tâm dưỡng Tánh có nghĩa là phải kềm chế thất tình, lục dục giữ cho trong định ngoài an:

- thất tình là ái (yêu thương), ố (ghét), hỉ (mừng), nộ (giận), ai (buồn), lạc (vui sướng), cụ (sợ hãi).

- Lục dục là 6 ham muốn : sắc dục (ham muốn sắc đẹp), thính dục tai ham muốn nghe điều cám dỗ, phi lễ); hương dục (mũi ham muốn ngữi mùi thơm mà, sanh dục vọng); vị dục ( miệng ham ăn món ngon vật lạ nên phạm tội sát sanh); Ý dục ( ý ham muốn là mối đại hại cho con người); pháp dục (thân dâm dục quá độ).

Cách mạng Tâm là giữ cho lòng vật dục lặng yên, làm cho cái Tâm gốc được tỏ rạng, mạnh mẽ, đứng lên làm chủ nhơn ông bản thân mình, mà điều khiển lục dục thất tình, đem chúng vào đường đạo đức. Vậy, cách mạng tâm là sửa đổi con người mình, từ hình thức đến nội dung, cho mỗi ngày một thêm tốt đẹp, thiện lương, chơn chánh, đạt đến mức con người tự làm chủ mình.

Tâm trong võ đạo Vovinam

Tâm là cái gốc của tinh thần, là nguyên động lực phát khởi ra mọi hành động, là căn bản của lương tri. Mục đích cách mạng tâm là đưa những phương pháp tìm về tâm gốc, dùng năng lực hưng phấn phá tan màn đêm bao phủ tâm bằng giúp người tập tự ý thức sâu xa về bản thân mình để nâng cao tâm của mình.

Võ sư Trần Huy Phong giải thích tâm gốc, tâm cội nguồn trong cuốn sách về cách mạng tâm thân [4]. Cuộc cách mạng này cần có 3 yếu tố Tâm, Trí, Thể để xây dựng con người toàn diện cả trong lẫn ngoài của con người võ đạo.

Nhờ luyện tập, võ sĩ có 3 quyền năng: ý thức, dũng cảm, sáng suốt

Ý thức

Sự nhận biết tự tâm trong tỉnh thức và sáng suốt, vượt ra khỏi ngu dốt, biết im lặng, kiên nhẫn, dũng cảm tự chủ;

Ý thức về thân

Tự biết tất cả những gì thuộc về thân thể mình như về ngôn ngữ, cử chỉ, ăn uống. Ý thức về tâm để biết về tình cảm, tư tưởng;

Dũng cảm

Dám gạt bỏ cố chấp, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách, bằng lòng với hậu quả;

Sáng suốt

Sáng suốt trong hành động thường nhựt nhất là lúc dụng võ với người khác.

3. Dụng võ theo Tâm Tánh

Thất tình lục dục là sự rung cảm tự nhiên của Tâm và Tánh nhưng thất tình phải phát ra đúng tiết điệu hòa hài cảm ứng với nội tâm ngoại cảm. N?u thất tình lục dục phát ra quá đáng trái với tính tự nhiên của Trời Đất, thì con người dễ phạm tội lỗi. Để diễn tả điều này, chúng tôi tóm tắt cơ chuyển động của thất tình lục dục lên Tâm và Tánh của một võ sinh Vovinam diễn tiến trong cơ thể theo chiều hướng: Ý nghĩ (thuộc về Tâm) → hành động (thuộc về Tánh) → tác nhân (cơ thể).

Thí dụ một võ sinh Vovinam đứng trước cảnh 3 người đánh đập một người yếu đuối thì tâm, tánh, thể xác sẽ phản ứng qua các giai đoạn sau.

1. Khi một ngoại cảnh mạnh hiếp yếu (lục trần) tác động lên Tâm thì sanh ra ý nghĩ (ý dục) bênh vực kẻ cô thế bị hà hiếp.

2. Ý nghĩ (Tâm) làm cho Tánh (tức là Khí trong người) chuyển động,

3. Tánh chuyển động sẽ đưa đến hành động của cơ thể theo ý nghĩ của Tâm của võ sinh.

Ở giai đoạn hành động, chúng ta mới biết trong người võ sinh có cách mạng tâm thân hay không.

Nếu võ sinh đã được trang bị hành trang võ đạo, thì Tâm sẽ nhân đạo, chơn chánh, sáng suốt, sẽ kềm chế được Tánh và Thân dụng võ có tính cách răn đe những kẻ ức hiếp người.

Nếu không có học cách mạng Tâm Thân của môn phái thì võ sinh có thể nổi giận, sân si, sẽ dụng võ sai trái, tàn bạo, đả thương không cần thiết giống như một kẻ vũ phu.

4. Luật Tam Tài trong cách mạng tâm thân

Tam tài là Thiên-Địa-Nhân (Trời-Đất-Người) [5]. Khi đấu võ, Người đứng giữa ra các thế võ dương thí dụ như cú đấm, cú đá tương trưng cho Trời và thế võ âm thí dụ tránh né, hóa giải tượng trưng cho Đất. Nếu áp dụng luật này vào Cách Mạng Tâm Thân của Vovinam thì Người đứng giữa Trời Đất có khả năng kiềm chế điều hòa, phối hợp âm dương theo ý muốn vào các thế võ thành võ đạo mang tính chất tấn công, thủ thắng hoặc bao dung, phối hợp, điều hòa, hóa giải... Cho nên, tiến đến cao độ thì võ đạo nhiều hơn võ thuật.

5. Dụng võ theo luật cương nhu phối triển
Cương trong tinh thần với ý chí mạnh mẽ, nếp sống hào hùng nhưng nhu trong tâm hồn rạt rào tình cảm, đầy nhân từ thiện ý, nhân đạo. Cương nhu phối triển trong tinh thần là để hợp với lòng người và lẽ trời. Nguyên lý này còn thể hiện trong đời sống tinh thần và cách hành xử của võ sinh Vovinam vì :"Cương tượng trưng sự hào hùng, ý chí sắt thép, lòng cương quyết và đức Dũng của con nhà võ. Nhu biểu tượng tính nhu hòa, điềm đạm và lòng Nhân của người võ sĩ. Có cương mà thiếu nhu sẽ không biến hóa, linh hoạt theo từng hoàn cảnh cụ thể. Ngược lại, có nhu nhưng thiếu cương sẽ không phát huy được hiệu quả tối đa ". Thế võ hiệu quả linh diệu lại mang một ý thức rất cao về tinh thần đạo đức của người võ sĩ uy vũ bất năng khuất.Vì vậy mà người học võ trước nhất nghĩ tới võ thuật, cao hơn mới nghĩ tới võ đạo.
Tóm lại từ tinh thần võ đạo đó mà quan niệm dụng võ của Vovinam là : hợp lý và đúng lúc, gồm 4 điểm :
-Không thượng đài có tính cách thể thao , tranh đấu tàn bạo trái với kỹ thuật và tinh thần của môn phái võ đạo,
-Không gây lộn, không thử võ với người,
-Chỉ tự vệ,
- Chuộng lẽ phải.
Từ võ đạo mà các vị chưởng môn đã sọan ra võ lý
Võ lý
Võ lý (võ thuyết) là căn bản lý thuyết của võ thuật dùng để giảng giải các thế võ và hướng dẫn đường lối cho võ thuật phát triển. Muốn giải thích võ lý của Vovinam, chúng ta phải tuần tự tìm hiểu các điều sau :
- Hệ tư tưởng Kinh Dịch và quan niệm vũ trụ quan của Lão Giáo;
- Sáng Tổ quan sát, sửa đổi và diễn dịch tư tưởng Kinh Dịch sao cho phù hợp với võ thuật và võ đạo của Vovinam;
- Cách áp dụng tinh túy của định luật thiên nhiên vào võ thuật và võ đạo.
1. Triết lý vũ trụ quan
Triết lý vũ trụ quan của vùng văn hóa Viễn Đông bắt nguồn từ Kinh Dịch và hệ thống tư tưởng của Lão Giáo.
a) Kinh Dịch
Cách đây khoảng 5000 năm, với phương pháp QUAN SÁT rồi CẢM NHẬN, các cao nhân quan sát vũ trụ bao quanh mà nhận xét thấy có hiện tượng khí từ trên trời đi xuống như ánh sáng, gió... và khí từ đất bốc lên như hơi nước. Hai luồng khí lên xuống giao nhau không ngừng nghỉ mà sanh ra các hiện tượng vật chất hữu hình trên thế giới. Các cao nhân vẽ một gạch thẳng  tượng trưng cho khí dương từ trời đáp xuống, một gạch đứt đoạn  biểu tượng khí âm đi lên từ đất. Hai gạch âm dương tác động lên nhau mà sanh ra các hiện tượng mọi sự vật tmà ta quan sát được trong vũ trụ.
Từ hai gạch biểu tượng âm dương mà các cao nhân diễn tả luật âm dương làm động cơ cấu tạo thế giới như Kinh Dịch chỉ dạy.
Tiếp theo, các cao nhân quan sát khí âm dương và các hiện tượng xuất hiện trong chính cơ thể của mình thì cảm nhận thấy con người là hình ảnh đại vũ trụ để đi đến kết luận con người là tiểu vũ trụ.
Và cũng từ hai gạch âm dương mà các cao nhân đã viết nên quyển Kinh Dịch không chữ viết diễn tả tiến trình của đời người trong đại vũ trụ.
b) Đạo và âm dương trong Lão Giáo
Triết lý vũ trụ quan của Lão Giáo bắt nguồn từ Kinh Dịch và coi Đạo là Nguyên lý đầu tiên của càn khôn vũ trụ là nguyên căn của Trời Đất, vạn vật. Đạo không thể bàn, không thể định danh được. Cái nguồn cội ấy khi còn bất động thì gọi là Đạo, khi đã động để sanh hóa thì gọi là Thái Cực. Thái Cực được biểu tượng bởi một vòng tròn (vòng Thái Cực) chứa bên trong hai nguyên lý Âm Dương. Từ Một ( vòng tròn Thái Cực) sanh ra Hai là lưỡng nghi (âm dương) [6]; rồi Hai sanh Ba là luật Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân)... Theo lý thuyết có tính cách siêu hình này, chữ "Đạo [7] " mang ý nghĩa nguồn gốc của vũ trụ và giải thích vũ trụ quan của người Việt.
c) Luật thiên nhiên căn bản
Trong Kinh Dịch có hai luật thiên nhiên được áp dụng vào võ lý Vovinam là:
-Luật vô thường [8] ,
-Luật âm dương [9].
Luật thường dịch hay vô thường (Loi de non permanence) có nghĩa mọi vật trong vũ trụ đều biến đổi không ngừng nghỉ. Không có gì toàn tĩnh hay toàn động. Luật vô thường được diễn tả bởi sự chuyển biến liên tục không ngừng nghỉ của âm dương như ngày với đêm.
Võ lý rút ra từ luật vô thường này là các thế võ chuyển tiếp liên tục từ thế này tiếp theo thế khác, thí dụ đấm ra (dương) tối đa thì phải thu tay về (âm), cứ thế tiếp theo...
Luật âm dương
Nhìn vào hình vẽ trong vòng Thái Cực của Lão Giáo, chúng ta sẽ thấy hai điều căn bản của luật âm dương là hỗ căn, hỗ tương:
- Hỗ căn có nghĩa âm dương từ một gốc Thái Cực (vòng tròn) mà ra nên trong âm có dương (thiếu dương, chấm trắng), trong dương có âm (thiếu âm, chấm đen).
- Hỗ tương thì hiểu rằng âm cực dương sinh, dương cực âm sinh là vì trong âm có dương tiềm phục, trong dương có âm tiềm phục chưa hiện rõ ra. Khi âm đến hồi cực thịnh thì mầm dương mới đủ sức hiện lên, nghĩa là trong thái âm có cái mầm thiếu dương hiện lên và bắt đầu tăng trưởng, cũng như trong thái dương có mầm thiếu âm hiện lên và bắt đầu tăng trưởng. Cứ thế âm dương luân chuyển không ngừng nghỉ như như ngày đêm, bốn mùa trong năm.
Vovinam xuất phát từ võ thuật và văn hóa cổ truyền Việt Nam nên cũng gắn liền với học thuyết âm dương, vì vậy mà : "Mặt sau võ thuật Vovinam là triết học Kinh Dịch".

2. Quan sát của Sáng Tổ
Sau khi quan sát các thế võ nhất là võ cổ truyền, Ông Nguyễn Lộc nhận thấy các điểm trọng yếu sau :
Về luật âm dương.Cái ảo diệu của quyền thuật "một động một tĩnh " căn cứ vào học thuyết âm dương biến hóa trong Kinh Dịch mà nảy sinh ra diệu quyết.
Trong kỹ thuật đối kháng của võ thuật cũng không có chỗ nào không ngầm mang triết lý âm dương. Trong chiến đấu, bất luận là phòng thủ hay tiến công, cũng không rời xa sự biến hóa của âm dương.
Về luật thường dịch tức vạn vật đều biến đổi luôn luôn, không ngừng vô thường. Võ cổ truyền kết hợp cương nhu, hư thực, công thủ, phản biến, mạnh yếu, nội ngoại, thể chất tinh thần thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế của luật thường dịch.
Từ việc quan sát các thế võ cổ truyền mà Sáng Tổ hình thành võ lý Vovinam một cách cụ thể qua hình ảnh trên phù hiệu bằng cách sửa đổi vòng Thái Cực và âm dương siêu hình của Lão Giáo để hướng dẫn võ thuật và võ đạo Vovinam. Sự sửa đổi này là một sáng tạo độc đáo trong võ lý của Vovinam.
3. Tại sao sửa đổi?
Trước năm 1975, trong một buổi luận bàn về ảnh hưởng lý thuyết âm dương của Kinh Dịch trong võ lý, võ đạo và hình vẽ trên phù hiệu Vovinam, võ sư Trần Huy Phong [10] cho biết là Sáng Tổ mượn hình ảnh vòng Thái Cực, lưỡng nghi âm dương của Kinh Dịch nhưng sửa đổi và thêm vài chi tiết: bỏ 2 chấm thiếu âm và thiếu dương, vẽ thêm một đường trắng chữ S giữa âm dương và một vòng tròn trắng bao bọc âm dương.

.


Phù hiệu thời Sáng Tổ 


Vòng Thái Cực (theo Kinh Dịch)

Nay chưa tìm được minh lý của sáng tổ về lý do sửa đổi vòng Thái Cực của Kinh Dịch, xin luận giải vấn đề này theo hướng mục đích (để diễn tả cụ thể võ lý và võ đạo do Sáng Tổ quan niệm) như sau:
Sửa đổi biểu tượng âm tố và dương tố
Từ biểu tượng âm dương trong vòng Thái Cực của Lão Giáo, Sáng Tổ giữ lại biểu tượng âm dương nhưng bỏ 2 chấm thiếu dương và thiếu âm và thêm một đường trắng chữ S giữa hai nguyên lý âm dương (xanh và đỏ). Đâu là lý do của sửa đổi?
Giữ lại biểu tượng âm dương để diễn tả võ lý [11]  dựa trên biến hóa của luật Âm-Dương và ứng dụng tính chất của Âm là mềm dẻo và Dương là cứng mạnh, theo võ lý Cương Nhu Phối Triển trong võ thuật [12].
Tại sao bỏ 2 chấm thiếu dương và thiếu âm? Bỏ 2 chấm là sửa đổi luật thường dịch để thích nghi với võ đạo Vovinam là vì :
- Lưỡng nghi âm dương vẽ theo Lão Giáo là để diễn tả âm dương biến hóa liên tục, không ngừng nghỉ, có nghĩa là nếu cứ theo đúng luật thường dịch thì đòn thế cương nhu phối triển được tung ra liên tục nhằm triệt hạ đối phương không một chút nương tay, không dừng lại, trái với võ đạo Vovinam. Điều này không phù hợp với võ đạo " Bàn tay thép (võ thuật, dương cương) đặt trên trái tim từ ái (võ đạo, âm nhu) ";
- Với biểu tượng âm không có thiếu dương bên trong và dương không có thiếu âm, võ sinh sẽ hiểu là đòn thế cương nhu phối triển (võ thuật) tung ra liên tục theo võ lý âm dương nhưng vẫn có thể ngừng lại theo tinh thần võ đạo (Tâm từ ái).
Biến "Đạo " siêu hình của Kinh Dịch thành Đạo hữu hình trong võ lý
Đạo siêu hình của các tín ngưỡng Đông Phương là nguồn cội của vũ trụ. Từ Đạo vô hình, vô tướng, Ông Nguyễn Lộc coi Đạo như một thực thể ứng dụng cụ thể vào võ thuật bằng cách :
- Đạo có hình tướng, màu sắc : vòng tròn hay đường viền trắng; chúng ta có thể nhìn thấy Đạo vẽ trên phù hiệu dưới hình ảnh Vòng tròn [13] màu trắng và đường hình chữ S trắng vẽ giữa âm dương.
- xác định nhiệm vụ của Đạo : một thực thể có thể khắc chế, điều hòa, hóa giải, bao dung hai thực thể âm-dương luôn luôn trong trạng thái thôi thúc, đối nghịch. Có nghĩa Đạo dùng để điều hòa các thế võ theo võ lý âm dương.
Giải thích Đạo trên phù hiệu
Đường trắng chữ S
Thêm đường trắng giữa hai nguyên lý âm dương (xanh và đỏ) diễn tả võ đạo của môn phái với điều giảng dạy: Vovinam không dùng võ để sát hại hay trả thù người. Vì vậy đường trắng chữ S biểu tượng lời khuyên người môn đồ Vovinam khi phát đòn phải biết dừng lại lúc nào để bảo toàn mạng sống của đối phương tức là tuân thủ theo tôn chỉ của môn phái " Chỉ dùng võ để tự vệ, để cảnh cáo và để cảm hóa người".
Vòng tròn [14] màu trắng
Vòng tròn màu trắng khép kín bên ngoài và chứa bên trong nguyên tố âm dương là biểu tượng võ đạo Vovinam. Ý nghĩa hình vẽ này là võ đạo (vòng tròn trắng) có nhiệm vụ điều hòa và khắc chế sự tương tác của Âm và Dương tức võ thuật nằm bên trong vòng tròn đạo. Nghĩa là, cho dù tương tác, đối nghịch, xung đột thế nào thì vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát, quản lý của " Võ Đạo" tức " Cách mạng tâm thân " do Sáng Tổ quan niệm.
4. Áp dụng luật âm dương
Qua quan sát các đòn thế cổ truyền, Sáng Tổ nhận thấy t? tư thế phòng thủ (âm), khi bị tấn công, tức khắc những chiêu thức chống trả được tung ra (dương), trong quá trình đáp trả, bị phản công thì những chiêu thức né, tránh, hóa giải lại trở về phòng thủ (âm) đồng thời biến thế phản đòn tích cực (dương). Cứ như thế thủ, công, phản, biến liên hoàn như một vòng tròn xoay chuyển. Điều này nói nên ý nghĩa trong võ thuật tại sao phải âm dương phối triển tức thế công thế thủ phải hòa hài để giữ quân bình âm dương. Những quan sát trên dẫn ông Nguyễn Lộc đến những nhận xét sau về âm dương phối triển :
- Nếu võ sinh chưa đạt đến trình độ cao thì có cương mà không có nhu có thể thiếu linh hoạt biến hóa, làm giảm tiến bộ. Trái lại chỉ có nhu mà không có cương sẽ mất hiệu lực tối đa.
-Nhu chỉ có thể hóa giải chớ không khắc chế, tức thụ động.
Từ nhận xét đó, Sáng Tổ rút ra tính chất âm (mềm, tĩnh) dương (cứng, động) tương phản làm căn bản cho định luật Cương Nhu Phối Triển áp dụng vào võ lý hướng dẫn võ thuật.
5. Áp dụng võ lý Cương Nhu Phối Triển,
Cây tre mang đặc tính cương nhu được dân Việt từ ngàn xưa dùng làm vũ khí chống xâm lăng. Do đó, Sáng Tổ đã lấy cây tre làm biểu tượng nguyên lý cương nhu phối triển và áp dụng vào trong võ thuật Vovinam như sau.
Áp dụng phương pháp té.
Bắt đầu môn sinh chưa có công phu mấy nên phải học phương pháp té: Trước tiên là dùng nhu trước tức tập té thân người mềm (nhu) ngã trên sàn gạch, xi măng cứng (cương) mà không thương tích. Cách dung hòa, phối hợp cương nhu là người té phải áp dụng phản lực ngang tức lăn người theo đà té ngay khi vừa rơi xuống hay dùng sự trượt là kết quả của sự cọ sát của hai phản lực cứng mềm.
Cách áp dụng nhu.
Gặp sức đánh quá mạnh thì phải biết luồn tránh, hoặc té xuống thoát hiểm rồi mới tìm cách phản công, nếu bị đánh té (cương) thì phải biết áp dụng đúng cách té (nhu) để không nguy hiểm.
Cách áp dụng cương
Từ bậc sơ Đẳng (lam đai) mới đi vào tấn tức cương (phương pháp đứng hoặc di chuyển vững vàng lúc giao đấu). Nếu khi nào cảm thấy không chịu nổi sức mạnh quá đáng (cương) thì sẽ chuyển tấn né tránh hoặc té xuống nghĩa là chuyển từ cương sang nhu phù hợp với luật cương nhu phối triển.
Áp dụng cương nhu
Hệ thống võ thuật Vovinam bao gồm những thế nhu nhuyễn, các đòn cương mãnh và ngay trong bản thân từng đòn thế cũng chứa đựng sự kết hợp giữa cương – nhu, giống như sự giao hòa giữa âm – dương trong thiên nhiên và xã hội. Cương Nhu phối triển không đơn thuần là sự bao hàm cả 2 tính cương và nhu mà nó linh động, biến hóa. Có lúc cương nhiều, nhu ít; có khi cương ít nhu nhiều; có lúc nửa cương nửa nhu, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể. Thí dụ lúc bị tấn công, võ sinh thường né tránh (nhu), rồi mới phản công (cương). Khi tung một cú đá tấn công hoặc phản công (cương) vào thân thể đối phương, võ sinh phải dùng tay che mặt và bảo vệ hạ bộ để thủ (nhu). Ngay trong phương pháp luyện tập té ngã (không nguy hiểm, không đau), võ sinh phải lên gân và co tròn thân người lại (cương), sau đó lăn tròn thân người lúc ngã xuống (nhu) để hóa giải lực tấn công của đối phương và sức rơi của trọng lượng cơ thể. Nhờ vậy, võ sinh Vovinam tập luyện đòn thế và té ngã trên sàn gạch bình thường như trên thảm.
Theo khái niệm cổ sơ, Âm dương dùng để diễn tả thuộc tính của mọi hiện tượng, mọi sự vật trong toàn vũ trụ . Âm dương là hai mặt quan hệ đối lập nhưng hỗ trợ nhau, thí dụ võ thuật lấy bản thân người tấn công và người phòng thủ làm hai mặt này như bảng phân tích âm dương dưới đây.

.



ÂmDương
Thuộc tínhhiện tượngĐàn bà, Ngực, Tay mặt, HạĐàn ông, Lưng, Tay trái, Thượng
Võ thuậtNhu, thế thủ, Chân hạ xuốngTay rút về, Té, lăn, néCương, thế công, Chân đá lên
 Tay đấm, Tấn, phản công
Võ đạo
Tâm từ ái
Bàn tay thép

Từ ý lực của Sáng Tổ Nguyễn Lộc, các võ sư môn đệ tâm huyết tiếp tục triển khai không ngừng hệ thống võ thuật và võ đạo của Vovinam đã giải thích tại sao mà môn phái này đứng vững và phát triển tại quốc nội cũng như ở hải ngoại mặc dầu trải qua bao biến cố quan trọng như môn phái bị cấm cản dưới thời TT Ngô Đình Diệm, chưởng môn bị đưa vào Trại Cải tạo sau 1975...

_______________________

[1] - Nhân sanh quan là hệ thống tư tưởng triết học xem xét nguồn gốc, sự sống sự chết, mục đích và ý nghĩa của đời sống con người

[2] - Cũng giống như chữ đạo trong Trà đạo, Hoa đạo, Võ đạo, Kiếm đạo, Cung đạo...

[3] - - Trần Huy Phong, Cách mạng tâm thân, Tổng liên đoàn VVN-VVĐ thế giới ấn hành, Paris, 1996

[4] -

[5] - VS Trần Huy Phong gọi là Định lý tam tạo

[6] - Tức định lý tam tạo (loi des trois élements créateurs)

[7] - Bắt đầu chữ đạo 道 bằng hai phết 丶丿 là điểm âm dương nhị khí, kế dưới một ngang 一  tức là âm dương hiệp nhứt 䒑 nên chi một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật rồi vạn vật cũng quay về hiệp một, vậy trong chữ đạo có hàm ý âm dương, động tịnh, động thì sanh hóa, tịnh thì vô hình vô ảnh. Kế dưới chữ tự 自  nghĩa là tự nhiên mà có, là tự tri, tự giác chớ chẳng ai làm giùm cho mình; trên dưới ráp thành chữ Thủ 首 là trên hết, là nguồn gốc Càn Khôn Vũ Trụ, vạn vật ; chữ đạo 道 thuộc bộ xước辵 , chợt đi chợt dừng lại, bên hông bộ xước có chữ tẩu ? nghĩa là chạy, tức là vận chuyển biến hóa

[8] - VS Trần Huy Phong gọi là Định lý thường dịch (Loi de non permanence)

[9] - Chữ dương 陽 gồm hai phần: bên trái là bộ phụ là núi đất, bên phải có chữ nhựt日 nhật là mặt trời đứng trên hàng ngang, ý nói mặt trời đã mọc lên khỏi đường chân trời, bên dưới là chữ vật物 vật v? hình các tia sáng rọi xuống; Chữ âm 陰 , bên trái có bộ phụ là núi đất, bên phải phía trên là chữ kim 金 có hình như cái nóc nhà, bên dưới chữ vân雲 mây ý nói che khuất

[10] - Trước năm 1975, VS Trần Huy Phong và tác giả có tình bạn bè. Với tư cách là giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn kiêm nhiệm giám đốc Đại học xá Minh Mạng (nam sinh viên) và Thanh Quan (nữ sinh viên) , tác giả cùng với VS Trần Huy Phong và VS Phan Quỳnh mở võ đường Vovinam tại Đại học xá Minh Mạng.

[11] - Võ lý là lý thuyết căn bản hướng dẫn và giảng giải võ thuật của một môn phái

[12] - Võ thuật là danh từ chỉ chung các loại kỹ thuật dùng sức (đòn, thế, miếng, vũ khí) để ứng chiến với người và vật

[13] - Vài võ sư gọi là đạo thể

[14] - Vài võ sư gọi là đạo thể





Trường Đại học Văn khoa và Đại học xá (Ký túc xá Sinh viên) Minh Mạng - Sài Gòn
(2 nơi làm việc trước năm 1975 của tác giả bài viết trên: Giáo sư. Nguyễn Huy)
 ..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HỎI ĐÁP LÝ THUYẾT VOVINAM

HỎI ĐÁP LÝ THUYẾT VOVINAM . 2 Mười điều tâm niệm của môn sinh Vovinam? 1. Việt Võ Đạo Sinh (VVÐS) nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để ...